Nước Ý được biết đến là quê hương của các dòng rượu vang trứ danh như vang Chianti, vang Amarone, vang ngọt Moscato hay vang sủi Prosecco. Lịch sử rượu vang Ý đã hình thành từ hơn hai ngàn năm nay và thế giới biết đến bởi có nhiều giống nho cũng như phong cách rượu vang khác nhau. Về sản lượng, quốc gia này cũng nằm trong top đầu các nước có sản lượng rượu vang lớn nhất thế giới, sau Pháp và Tây Ban Nha.

Các vùng rượu vang nổi tiếng tại Ý
Toàn nước Ý được phân chia thành 20 vùng trồng nho, sản xuất rượu vang riêng biệt. Trong đó có 3 vùng nổi tiếng nhất (cả về chất lượng và số lượng rượu vang) là vùng rượu vang Tuscany, vùng Piedmont và vùng Veneto.
Về rượu vang, mỗi vùng lại sở hữu phong cách rượu riêng biệt và đặc trưng. Vùng Tuscany nổi tiếng nhất với dòng vang trắng Chianti đạt chuẩn DOC và DOCG cao quý. Vùng Piedmont nổi tiếng với rượu vang Moscato d’Asti – dòng vang trắng từ nho Muscat/Moscato thơm ngon, ngọt ngào như mật ong. Còn Veneto thì được biết đến với dòng vang Amarone della Valpolicella thuộc hàng thượng hạng và đắt đỏ nhất thế giới.
Nước Ý – thiên đường của các giống nho

Nước Ý được mệnh danh là đất nước của các giống nho bởi có trên dưới 2.000 giống nho khác nhau. Các giống nho nổi tiếng và trồng rộng rãi nhất ở đây là nho Sangiovese, Barbera, nho Nebbiolo, Montepulciano và Pinot Grigio. Các giống nho này có mặt ở hầu hết khắp các vườn nho trên cả nước và được sử dụng làm thành phần của nhiều chai rượu vang. Ngoài các giống nho phổ biến thì nước Ý cũng trồng nhiều giống nho lạ, ít được biết đến như Centesimino và Dorona, chỉ được trồng với diện tích hạn chế.
Về điều kiện tự nhiên, đất nước hình chiếc ủng có điều kiện khí hậu và địa hình vô cùng đa dạng, bởi vậy mà số lượng các giống nho cũng rất phong phú. Các vườn nho xuất hiện ở khắp mọi nơi, từ thung lũng Aosta Valley ở độ cao 1.300m cho đến vùng Emilia-Romagna ở độ cao ngang với mực nước biển. Điều kiện tự nhiên đa dạng khiến chất lượng trái nho khác nhau, rượu vang Ý làm ra ở mỗi vùng cũng mang những hương thơm và mùi vị riêng biệt.
Theo IVCOM